Hồ Đại Lải nằm cách Hà Nội không xa, chỉ 40km và đi hết khoảng gần 1 tiếng. Hồ nằm tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng khá gần một địa danh nức tiếng khác: Tam Đảo.
Hồ rộng chừng 525ha, có một đảo nhỏ xinh ngay chính giữa hồ. Chỉ bước chân ra khỏi xe là thấy gió lồng lộng phả vào người vì không gian trước mặt rộng thênh thang, tựa như vừa đi tới một vùng ven biển.
Bầu không khí nơi đây trong lành và mát mẻ một cách kỳ lạ, phong cảnh tuy đơn giản nhưng lại mang màu sắc lãng mạn. Trên hồ có dịch vụ lướt thuyền và đạp vịt, môi trường khá sạch sẽ và thoáng đãng, quả là một nơi tuyệt vời dành cho những ai muốn về đây nghỉ ngơi vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Hồ Đại Lải được giải thích bằng một giả thuyết rất dễ thương: Đại nghĩa là “Lớn”, “Lải” nghĩa là….Nải (tựa như nải chuối nhưng bị phát âm ngọng bởi tiếng bản địa nên thành Lải). Một Nải Lớn ý là những “nải đất rộng”.
Cùng trên tuyến đường đi từ Vĩnh Phúc sang Thái Nguyên, tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, có một thắng cảnh không nhiều người biết đến, đó là hang Phượng Hoàng, hang nằm trên một ngọn núi cao chừng 300 mét, và kiểu cấu tạo rất quen thuộc với nhiều kiểu hang động nằm trên núi khác.
Hang nằm trên đỉnh núi nên sẽ phải đi vài trăm bậc thang mới có thể lên được đến nơi. Cầu thang được đúc trực tiếp từ núi đá và rất dốc. Càng lên cao thì càng có nhiều kiến lửa và muỗi, những con kiến lửa rất to, đậm chất “rừng rú” bò thành từng hàng trên những lan can của bậc thang. Đi càng lên cao thì nhìn xuống bên dưới càng đẹp, đó là hình ảnh của những ngọn đồi xa và những đồng ruộng xanh mướt lúa non, những cây cổ thụ vươn cao đâm thẳng lên trời lấp ló càng làm cho những bóng người đang cày ruộng trở nên nhỏ bé. Nếu khởi sự bắt đầu vào ráng chiều, lên cao hơn thấy phía bên phải đổ bóng hoàng hôn xuống những rặng cây.
Tuy nhiên, do quá nhiều muỗi và quá dốc, ngọn núi cũng còn rất cao và xa, nếu lên tới nơi thì trời sẽ tối om và sẽ quỵ sức vì mệt mỏi nên chỉ được gần một nửa đoàn đã phải quay trở xuống. Nhưng ngay phía dưới chân núi của hang Phượng Hoàng là một con suối nhỏ mát tên là hang suối Mỏ Gà.
Về cơ bản hai địa điểm đều là những địa điểm nhỏ, vừa giống mà lại vừa khác nhau. Hồ Đại Lải vào những ngày nghỉ vẫn đông nghịt người, nhưng vào ngày thường thì chỉ lác đác những cặp đôi hoặc một vài nhóm người về đây nghỉ ngơi. Địa điểm gần Hà Nội và đường đi thuận lợi đã là một ưu thế khá lớn, tuy nhiên còn khá nhiều tiềm năng mà chưa có cơ hội và khả năng khai thác hết, đó là miền sinh thái nơi đây vẫn đậm chất hoang sơ.
Hang Phượng Hoàng cũng vậy, nét hoang sơ in đậm do ít người tới đây tham quan, phong cảnh khá đìu hiu và thậm chí còn chưa có một dịch vụ nào phục vụ khách tham quan, nó chưa có một đặc điểm riêng nổi bật để thu hút khách du lịch tới khám phá, ngoài ra cũng nằm khá cao nên việc leo lên đến nơi cũng là một trở ngại lớn cho những người sức khoẻ kém. Nơi này có lẽ thích hợp hơn cho những khách du lịch bụi thích những không gian mới và yên ắng, và tất nhiên phải chịu khó nữa.