Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Nằm dọc hai bên quốc lộ 2A, có diện tích khoảng 50km2, dân số hơn 13 vạn người, được bố trí thành 9 đơn vị hành chính (7 phường và 2 xã). Là nơi có truyền thống văn hoá từ rất sớm, có nhiều danh thắng tiêu biểu và gần 100 di tích lịch sử văn hoá.
Bảo tàng Vĩnh Phúc
Bảo tàng Vĩnh Phúc được toạ lạc ở trung tâm Thành phố, có diện tích trưng bày 2.500m2, trong khuôn viên rộng 38.000m2, thuộc khu đồi Chánh sứ cũ (núi Sơn Cao) trông xuống một góc của Đầm Vạc, với hàng nghìn hiện vật, tư liệu, hình ảnh được thể hiện bằng mỹ thuật, kỹ thuật và phương tiện trưng bày hoành tráng, hiện đại. Bảo tàng Vĩnh Phúc sẽ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, tham quan của nhân dân trong tỉnh và du khách đến với quê hương Vĩnh Phúc.
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vĩnh Phúc còn có vinh dự là một trong những tỉnh ở Miền Bắc được đón Bác Hồ về thăm nhiều nhất. Từ năm 1945- 1963, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc được 8 lần đón Bác về thăm. Ngày 3/2/1963, trong một buổi nói chuyện với nhân dân Vĩnh Phúc người đã căn dăn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở Miền Bắc” Tưởng nhớ đến Bác, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã xây dựng nhà lưu niệm để giữ mãi những hình ảnh về Bác.
Chùa Hà Tiên
Chùa Hà Tiên (thường gọi là Chùa Hà), thuộc xã Định Trung, nằm ngay bên quốc lộ 2B từ Thành phố Vĩnh Yên lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Toạ lạc ở một vị trí được xem là thế đất quý về mặt phong thuỷ: Trước chùa là một vùng trũng “Sơn chỉ, thuỷ giao”, hai bên có hai gò đất tựa hình Thanh Long, Bạch Hổ. Phong cảnh rất đẹp từng được ca dao nói đến:
Lên xem phong cảnh Chùa Hà
Có cây trăm thước có hoa bốn mùa
Nước giếng chùa Hà có tiếng “trong xanh, mạch thuỷ nhiệm màu” nên có câu:
“Người xấu như ma, tắm nước chùa Hà cũng đẹp như tiên”.
Chùa Hà tiên từng là một trong những trung tâm phật giáo lớn thời Lý Trần. Chùa thờ Phật, song thờ cả Quốc mẫu Tây thiên Năng Thị Tiêu và Chúa thượng ngàn, cũng là di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm Vĩnh Phúc đến thưởng ngoạn thắng cảnh chùa Hà ngày 25/01/1963.